3 thói quen giúp doanh nhân vượt qua những ngày thiếu động lực làm việc
3 thói quen giúp doanh nhân vượt qua những ngày thiếu động lực làm việc
Tuân theo nhịp điệu làm việc đã được thiết lập từ trước là thói quen thành công mà các doanh nhân cần có để xử lý công việc hiệu quả, trong những ngày có tâm trạng ủ ê.
Aytekin Tank - Nhà sáng lập và CEO của JotForm, công ty cung cấp nền tảng giúp người dùng dễ dàng tạo các biểu mẫu trực tuyến. JotForm từng xuất hiện trong danh sách Entrepreneur 360™ năm 2016, bảng xếp hạng thường niên dành cho công ty của các doanh nhân tại Mỹ.
Trong bài viết chia sẻ trên Entreprenuer, Tank nhìn nhận động lực làm việc tác động đến nhu cầu, khát khao và hành động của chúng ta. Trong những tình huống ít khẩn cấp, sự trì hoãn thường xuất hiện và làm giảm đi động lực cố gắng.
Theo Tank, để thành công, doanh nhân không nhất thiết cần phải có động lực lớn lao hay bất cứ ý muốn vĩ đại nào. Bạn không cần phải thức dậy trước bình minh để uống một tách cà phê thật ngon, ngồi thiền, viết nhật ký hay tập tư thế đứng bằng đầu của yoga thì mới có thể biến những ý tưởng vĩ đại thành sự thực.
Kỳ thực, những thói quen rõ ràng, đều đặn lặp đi lặp lại đã là yếu tố giúp Tank kinh doanh thành công trong 12 năm qua. Tank đã từng lạc lối khi bỏ quên những thói quen này. Vì vậy, khi trở về lại với nhịp làm việc trước đó, Tank tiếp tục củng cố nhịp độ đều đặn ấy. Chính điều này đã giúp Tank và đội ngũ phát triển JotForm lên mức 4,2 triệu người dùng toàn cầu.
Tạo dựng những hệ thống làm việc định kỳ và thói quen làm việc đều đặn có thể xóa đi những dao động, trì hoãn bên trong mỗi chúng ta. Khi những thói quen này được củng cố vững mạnh thì bạn sẽ dần không còn bị tác động bởi cảm giác muốn trì hoãn, e ngại khi giải quyết công việc hằng ngày. Bạn chỉ cần tuân theo những hoạt động đã được định hình từ trước. Chiến lược này sẽ giúp doanh nhân tiếp tục xử lý công việc hiệu quả trong những ngày có tâm trạng ủ ê.
Hai dạng thức của động lực
Trong quyển Drive: The Surprising Truth About What Motivates Us (tạm dịch: Dẫn dắt - Sự thật ngạc nhiên về điều tạo động lực cho chúng ta), Daniel Pink đã từng giải thích về hai nhóm động lực khác nhau: bên ngoài và bên trong.
Động lực bên ngoài phụ thuộc vào những phần thưởng đạt được dọc hành trình sống như tài chính, sự ngợi khen, chức tước, hay giành chiến thắng trong một cuộc thi đấu thể thao. Động lực bên trong thuần túy đến những nhu cầu từ sâu thẳm bên trong nội tâm mỗi người. Nếu bạn chạy cự ly 5km vì bạn thích cảm giác khi cơ thể chuyển động hay bạn muốn trải nghiệm cảm giác hoàn thành một mục tiêu đề ra, thì dù về đích thứ mấy cũng sẽ cảm thấy thỏa mãn.
Trong quyển sách riêng, Pink đã nhìn nhận về sự kém hiệu quả của chuyện tạo động lực bên ngoài bằng "củ cà rốt hoặc cây gậy". Pink cho rằng con người có thể đạt được hiệu quả làm việc cao hơn và duy trì được sự thỏa mãn lâu hơn bằng cách tác động đến "nhu cầu sâu sắc đang dẫn dắt cuộc sống của chúng ta, để học, để tạo tác, và để làm việc tốt hơn cho chính mình và thế giới".
Song, ngay cả động lực bên trong cũng phai nhạt dần nếu bạn quá phụ thuộc vào điều này. Khởi nghiệp cần lòng can đảm và quyết tâm cao, và bạn vẫn sẽ có lúc cảm thấy khó khăn để tiếp tục tiến lên. Có thể vì bạn thấy e ngại vì thử thách phía trước hay khối lượng công việc hiện tại quá lớn. Khi những cảm xúc này xuất hiện, bạn sẽ cần đến nhịp sinh hoạt đều đặn, thói quen xử lý công việc theo đúng trình tự hằng ngày để lướt sóng cảm xúc thành công.
Ba cách tạo ra những thói quen làm việc thành công
1. Chỉ tập trung vào những ưu tiên quan trọng
Sự tập trung và động lực có liên kết mạnh mẽ với nhau. Hình dung bạn đang có ba mục tiêu kinh doanh trong năm nay, gồm: phát triển đội ngũ, phát triển chiến lược marketing qua mạng xã hội và xây dựng thành công một tính năng sản phẩm quan trọng.
Những mục tiêu này cần được ưu tiên xuất hiện trong mọi việc bạn làm trong năm. Nếu một dự án hoặc cơ hội mới xuất hiện nhưng không liên quan đến một trong ba mục tiêu này, hãy từ chối thực hiện. Sự xao nhãng sẽ tan dần đi và bạn sẽ tiếp tục có thêm nguồn lực để theo đuổi mục tiêu đã đề ra.
Tank cho biết ông đã nhắc nhớ bản thân về các ưu tiên quan trọng bằng cách dành 30 đến 90 phút đầu tiên trong ngày làm việc tại văn phòng để viết ra những điều cần giải quyết trong ngày, và dần dần chúng chuyển thành một kế hoạch, email hay bài thuyết trình rõ ràng. Nhịp điệu này giúp kích hoạt tư duy sáng tạo và chiến lược cho Tank mỗi ngày.
"Nếu một ngày nào đó tôi đến công sở trong trạng thái lờ đờ, tôi cho phép mình làm điều gì đó khác để tăng sự tập trung cho bản thân. Tôi có thể gặp gỡ một thành viên trong đội ngũ hay đọc về những chủ đề có liên quan đến công việc trong ngày. Tâm trí xao nhãng của tôi sẽ dần tập trung trở lại, và dòng chảy của những ý tưởng mới tạo cảm hứng để tôi tiếp tục triển khai chúng. Trước khi tôi nhận ra, 90 phút đầu tiên đã trôi qua cùng với trạng thái lờ đờ trước đó", Tank chia sẻ.
2. Hiểu rằng động lực chỉ là yếu tố phụ thêm
Động lực và niềm hứng khởi không nhất thiết phải luôn luôn xuất hiện trong khi bạn làm việc. Mọi người thường nghĩ rằng "có động lực" đồng nghĩa với việc tạo ra cảm hứng, niềm phấn khích cho bản thân trước khi bắt đầu thực hiện điều gì đó. Nhưng những cảm xúc không nhất thiết phải tương thích với hành động. Đôi khi, bạn vẫn có thể tiến lên phía trước trong trạng thái thiếu động lực.
Nhà báo Oliver Burkeman cũng từng đề cập đến chủ đề động lực trong quyển sách The Antidote: Happiness for People Who Can't Stand Positive Thinking (tạm dịch: Giải độc - Hạnh phúc cho những ai không có suy nghĩ tích cực". Trong quyển này, Burkeman đã viết rằng: “Vấn đề không hẳn là vì bạn không cảm thấy có động lực, mà là bạn đang cho rằng bạn cần phải có động lực”.
Nhịp sinh hoạt định kỳ có thể giúp củng cố những cảm xúc vì chúng không bị ảnh hưởng bởi mức độ hứng thú trong công việc của bạn. Nếu bạn tuân theo một nhịp sinh hoạt nhất định, bạn sẽ được gắn kết với công việc đang làm. Khi đó, những biến động trong cảm xúc không phải là điều quá quan trọng. Những kết quả sẽ định hình khi bạn không ngừng lặp lại nhịp sinh hoạt này.
Aytekin Tank - Nhà sáng lập, CEO của JotForm
3. Học cách trao quyền
Vào một ngày nọ, Tank có một ý tưởng lóe lên trong khi đang tập thể dục buổi sáng. Tank thậm chí đã hỏi huấn luyện viên của mình rằng liệu ông có thể tạm ngưng tập một chút để viết lại ý tưởng ấy không.
"Khi lái xe đến văn phòng, tôi nhận ra ý tưởng ấy không liên quan gì đến ba ưu tiên quan trọng nhất của tôi trong năm ấy. Dù tôi đã rất muốn theo đuổi ý tưởng của mình, song tôi đã quyết định trao lại ý tưởng ấy lại cho COO của JotForm", Tank kể lại.
Là một nhà sáng lập, công việc của bạn là kinh doanh hiệu quả, thay vì chìm trong công việc kinh doanh. Theo tác giả Ray Silverstein: “Có một chiếc cầu mà mọi doanh nhân đều phải bước qua để có thể phát triển kinh doanh lên một mức độ mới, nơi họ phải chuyển từ vị trí "thực thi" sang "lãnh đạo". Đồng nghĩa rằng họ cần bước lùi ra khỏi công việc vận hành chi tiết hằng ngày và bước vào vị trí của một người có tầm nhìn xa".
Không phải lúc nào doanh nhân cũng đủ điều kiện để chọn việc trao lại ý tưởng, quyền xử lý công việc cho đồng nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn startup vừa ra mắt hoặc công ty gặp khó khăn về tài chính. Song hãy trao quyền khi có thể, dù rằng điều này đồng nghĩa với việc tìm đến chuyên gia tư vấn hay nhờ sự trợ giúp từ ai khác. Vì trao quyền có thể giúp bạn trở lại tập trung vào xử lý những điều bạn có thể hoàn thành tốt nhất.
Trao quyền cũng là lựa chọn hợp lý trong trường hợp có người có thể xử lý công việc tốt hơn bạn. Nếu bạn tuyển marketer, nhân viên thiết kế, nhà phát triển, quản lý hay chuyên gia nghiên cứu để xử lý các công việc thuộc chuyên môn của họ, thì điều quan trọng chính là tạo khoảng không để họ phát triển khả năng ấy. Phần lớn các công ty và sản phẩm kinh doanh trở nên phức tạp hơn khi công ty phát triển thêm. Vì vậy, bạn cần trao lại công việc cho những người giỏi xử lý chúng hằng ngày, để bản thân có thời gian tập trung vào những ưu tiên hàng đầu của người lãnh đạo.
Hãy nhớ tận hưởng niềm vui trong công việc
Những thói quen có thể khỏa lấp đi nhu cầu phải duy trì động lực làm việc hằng ngày. Song, làm sao bạn có thể duy trì thói quen này trong thời gian dài? Câu trả lời kỳ thực là ai cũng cần niềm vui và cảm thấy bản thân đang sống có ý nghĩa.
Năm 2010, giảng viên Phật học Susan Piver đã từng viết một bài về cách cô chiến đấu lại động lực cá nhân. Sau thời gian chật vật duy trì những mục tiêu cần đạt được trong ngày, cũng như trách móc bản thân vì sự "thiếu kỷ luật", cô đã quyết định thử một cách tiếp cận mới. Cô thôi lấy động lực làm trọng tâm và thay vào đó, tập trung vào niềm vui trong công việc.
“Sau khi tôi nhớ ra rằng động lực của bản thân được tạo nên bởi trí tò mò và những công việc đang làm tương thích hoàn toàn với con người của tôi hiện tại lẫn tương lai, thì văn phòng làm việc bỗng trở thành sân chơi", Piver viết.
Cô cho biết đã gạt ra khỏi lịch làm việc cá nhân những điều mang tính nghiêm túc quá mức, và đặt thứ tự ưu tiên cho những công việc làm cô hứng thú. Không lâu sau đó, Piver đã nhận ra rằng ngày làm việc của cô vẫn vậy, nhưng trải nghiệm khi xử lý từng công việc đã không còn nặng nề như trước.
Thẳng thắn nhìn nhận thì chúng ta không thể gạt ra khỏi cuộc sống của mình những công việc nhàm chán. Mỗi sáng vẫn có người phải thay cát vệ sinh cho mèo hay mỗi tháng hàng loạt hóa đơn vẫn cần phải được trả đúng hạn.
“Nhưng tôi gợi ý rằng thay vì tập trung giữ kỷ luật với tâm trí ép buộc bản thân phải hoàn thành công việc, hãy thử giữ kỷ luật bằng những điều mang đến niềm vui cho bạn mỗi ngày", Piver viết.
Kết
Đặt ưu tiên cho những công việc mang đến niềm vui cho chúng ta là một cách thay đổi góc nhìn rất thú vị. Có thể, có những lúc chúng ta không dễ dàng tìm thấy niềm vui xung quanh mình. Tập trung vào những điều quan trọng, tạo dựng những thói quen giúp bạn tiến lên đều đặn mỗi ngày, và động lực sẽ dần bước cùng bạn trong cả những ngày ủ ê.
P.V (DNSG)