Đà Nẵng: Giá đất nhảy cóc, thị trường đảo điên

Thứ năm, 07/03/2019, 11:03 (GMT+7)

Đà Nẵng: Giá đất nhảy cóc, thị trường đảo điên

Chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi chính quyền thành phố Đà Nẵng công bố biểu giá đất mới áp dụng trên địa bàn, thị trường bất động sản địa phương đã có những phản ứng rối loạn đến mức không thể kiểm soát nổi.

Hàng loạt nhà phố Đà Nẵng đang nhanh chóng tăng giá lên gấp đôi sau khi có biểu giá đất mới.

Anh Đình Tùng, một đầu mối giới thiệu đất khu vực Trần Cao Vân (Thanh Khê, Đà Nẵng) phàn nàn cùng CafeLand, chỉ nội trong 1 tuần qua, đất Đà Nẵng đã “nhảy giá” liên tục 2 lần. Mức chênh lệch hiện tại ở các lô đất nền, nhà ở diện tích nhỏ trong ngõ hẻm khu vực Thanh Khê đã dao động từ 100 – 250 triệu/lô 100m2.

Có lô đất trước Tết đặt giá 1,3 tỷ đồng không ai hỏi, bây giờ gọi điện, đã nghe báo giá 1,7 tỷ đồng. Giá cả bất thường thế này, dân môi giới cũng không dám nhận rao luôn”. Anh Tùng than thở.

Đại diện một sàn giao dịch đất nền cũng ở khu vực Thanh Khê, hoạt động chính ở phía Đông sân bay Đà Nẵng thừa nhận, thông tin giá đất tăng từ cơ quan chức năng đã lập tức gây tác động xấu đến toàn bộ thị trường ở đây. Đất Đà Nẵng đang nhanh chóng tăng vọt 20 – 50% không thể kiềm chế nổi. Thậm chí nhiều sàn giao dịch gần như chốt sổ giao dịch... theo giờ.

Nhà nhà lên giá

Không ít nhà đầu tư lẻ tỏ ra choáng váng khi nhìn vào thực tiễn giá đất hiện nay của thị trường Đà Nẵng. Câu hỏi của họ đặt ra, là tại sao chỉ trong một thời gian quá ngắn, đất đai thành phố này lại biến động dữ dội như vậy. Kể cả những khu vực được coi là “khoanh vùng lại”, các dự án sẽ được thẩm tra để kiểm chứng giá ảo, cũng đều ào ào lên giá.

Biến động mạnh nhất vẫn là khu vực Hòa Xuân (Cẩm Lệ) và trục Tây Bắc (Liên Chiểu), nhiều vị trí đã tăng đến 200% chỉ trong vài ngày. Những dự án nằm trong các vùng có thông tin đầu tư tích cực khác, như xung quanh cảng Liên Chiểu, khu vực Làng Đại học (Ngũ Hành Sơn), có thể nói giới kinh doanh mặc sức đẩy tung giá, mà gần như ở mức nào cũng... có lý!

Nhiều cá nhân và gia đình Đà Nẵng có nhu cầu mua đất để ở đều biểu thị sự thất vọng rõ rệt, khi hỏi đến sàn nào, nhà môi giới nào cũng nghe phản hồi rất lạnh lùng, rằng giá đang lên và phải mua ngay mới có giá đó. Cho dù những con số đã dao động tăng rất nhiều so với trước Tết Kỷ Hợi, song đa số người môi giới vẫn rất tự tin khẳng định, giá vẫn sẽ còn tăng nữa.

Biến loạn thị trường...

Một hệ lụy gần như xảy ra tức thời từ diễn biến giá đất thay đổi, là giá thuê các văn phòng, nhà trọ trên địa bàn, nội trong tháng qua đều... tăng gần gấp đôi. Trên mạng xã hội, không ít học sinh, sinh viên bắt đầu tải thông tin cần tìm nhà trọ giá rẻ hơn, do các chủ nhà trọ đều tăng giá với lý do... thành phố đã có giá đất mới. “Khu vực Hòa Khánh bọn em đây, giá thuê 1 phòng trọ ghép 3 đã từ 3 triệu lên 5 triệu rồi, còn tiền điện tiền nước nữa, làm sao có thể chịu đựng được đây?”. Một sinh viên Bách khoa Đà Nẵng bật than.

Đà Nẵng đang thực sự vào một cơn sốt đất khó kiểm soát.

Kể cả một số chủ cơ sở kinh doanh cũng đang ngậm ngùi nhìn nhận, diễn biến giá đất làm đảo lộn mọi kế hoạch của họ, khi chủ nhà cho thuê nghiễm nhiên đặt vấn đề thêm tiền, nếu không thì đi chỗ khác. “Giá bún, mì Quảng, bánh canh... của tiệm nào cũng đang ngấp nghé lên, từ 15 ngàn lên 20, 25 ngàn là bình thường, vì tiền thuê nhà tăng cả. Mức tăng quá nhanh của nhà đất đã khiến người ta không còn nghĩ gì đến cam kết đã có hay tình cảm gì nữa rồi”. Chị D., chủ một tiệm bánh canh ở đường Hà Huy Tập (Thanh Khê) than vãn như vậy, khi lý giải tô bánh canh chị bán đã tăng giá thêm.

Căn cứ vào đâu và tại sao thành phố Đà Nẵng lại có động thái công bố biểu giá đất tăng mạnh như vậy, hầu như giới kinh doanh bất động sản đều ngơ ngác không rõ. Song thực tiễn cả Đà Nẵng đang nháo nhào lên với giá đất tăng, khiến mọi hoạt động người dân và du khách biến động theo, là không ai phủ nhận được. “Tất cả đang tăng giá nhanh chóng, và chỉ có giới kinh doanh địa ốc được vớ bở mà thôi”. Một doanh nghiệp cay đắng nhận xét, và ông cho biết, do giá văn phòng thuê đã tăng, ông sẽ dừng doanh nghiệp của mình lại, kể từ ngày 28/02/2019.

Đà Nẵng đang thảm đạm vì biến động đất, thực trạng này, liệu các cơ quan chức năng địa phương đã có giải pháp khả thi để chỉnh đốn?

 

Nguyên Đức