Người thông minh biết làm rùa "chậm mà chắc", kẻ tham lam cả đời chỉ là thỏ thất bại: Đây là lí do vì sao bạn không nên đặt mục tiêu cho năm mới!
Người thông minh biết làm rùa "chậm mà chắc", kẻ tham lam cả đời chỉ là thỏ thất bại: Đây là lí do vì sao bạn không nên đặt mục tiêu cho năm mới!
Có một câu nói mà tôi rất thích: "Không gì có thể đánh bại một kẻ biết làm chủ bản thân". Xây dựng tư duy làm chủ và những thói quen tốt của nhóm "rùa" chính là chìa khóa cho những ai liên tiếp thất bại với những kế hoạch năm này sang năm khác.
Vậy là một năm cũ đã qua và năm 2019 lại tới, trong những ngày làm việc đầu tiên của năm mới, bạn đã ngồi thiết lập MỤC TIÊU và KẾ HOẠCH cho bản thân mình trong năm mới chưa. Nếu chưa thì bạn cũng đừng lo lắng quá, tôi sẽ có một lời khuyên thiết thực hơn cho bạn ngay phía dưới bài viết này.
Tại sao bạn lại không cần mục tiêu và kế hoạch? Trước hết, tôi muốn bạn hãy thử nhớ lại:
- Bạn đã từng lập kế hoạch chi tiêu hàng tháng theo các phương pháp được viết trong sách tài chính, theo lời khuyên của những doanh nhân giàu có và từng bị THẤT BẠI chưa?
- Bạn đã bao giờ quyết chí giảm cân, hoặc lên chương trình tập luyện thể thao, đi mua sắm trang thiết bị và sau đó BỎ XÓ chúng hàng năm trời?
- Bạn đã từng thử học một loại NHẠC CỤ mà bạn nghĩ rằng sau khi biết chơi mình sẽ rất ngầu và chuyên nghiệp? Nhưng thực tế bạn bỏ cuộc ngay ở bài tập đầu tiên?
- Bạn từng hăm hở đi học một NGOẠI NGỮ mới như tiếng Nhật hay tiếng Hàn Quốc, nhưng sau đó bạn kết luận mình chỉ cần giỏi một ngôn ngữ duy nhất là tiếng Việt đã quá đủ để lướt Facebook?
- Bạn có bao giờ thấy mình sao cứ nghèo mãi, và bạn khám phá ra công thức tiết kiệm thần thánh của một chuyên gia tài chính nào đó, bạn thấy nó thật đơn giản và mình chắc chắn sẽ làm theo được để mua một chiếc ô tô mới. Nhưng túi tiền của bạn vẫn rỗng tuếch vì vé xem phim, trà sữa và chiếc iphone đời mới nhất?
- Bạn cũng đã từng đặt mục tiêu trở thành nhân viên xuất sắc nhất trong công ty để được tăng lương hoặc lên chức trong năm 20xx nào đó, nhưng mãi mà điều đó vẫn chưa xảy ra?
Tóm lại, nếu bạn rơi vào một số tình huống như trên, thì vấn đề của bạn rõ ràng không phải là THIẾU MỤC TIÊU hay KẾ HOẠCH, mà sự thật là bạn không hề có kỹ năng làm việc THEO KẾ HOẠCH.
Trong một khoảng thời gian khá lâu kế từ khi đi học đến lúc làm kinh doanh, tôi đã liên tục theo dõi những người bạn khác nhau trong việc thực hiện mục tiêu của bản thân họ, và tôi nhận thấy có một sự thật, cơ bản con người được chia làm 2 loại tính cách, kiểu như "rùa" và "thỏ".
Những người thuộc nhóm "rùa" là người có khả năng đeo bám mục tiêu đã đề ra. Họ có xu hướng đặt ra những mục tiêu đơn giản và tập trung vào rất ít vấn đề. Trong quá trình thực hiện, họ thường không bị ảnh hưởng nhiều bởi ý kiến của người khác và yếu tố ngoại cảnh. Cũng giống như chú rùa trong truyện ngụ ngôn, họ chăm chỉ, cần mẫn tiến về đích, bất chấp lời mời gọi của những chú bướm xinh đẹp trên đường đi hoặc lời chê bai của bạn bè. Sự đơn giản giúp mục tiêu luôn tồn tại trong tâm trí họ mà không cần phải viết ra hay tự nhắc nhở mình mỗi ngày, từ đó họ dễ dàng thực hiện nó trong mọi hoàn cảnh. Dù là giữa năm, trong kỳ nghỉ hay lúc đang đi chơi, họ vẫn biết rõ mục tiêu năm nay của mình là gì.
Ngược lại, nhóm "thỏ" thường xuyên thất bại vì tham lam mục tiêu và say mê những bản kế hoạch tỉ mỉ, phức tạp. Thực ra bản kế hoạch của họ không phải là kém khả thi, nhưng nó không bao giờ được hoàn thành vì nguyên nhân cơ bản là nó vốn được thiết kế cho những người thuộc nhóm rùa. Hầu như các phương pháp tập luyện, phương pháp quản lý thời gian, hay tài chính cá nhân… đều dành cho nhóm ''rùa'' và cũng được những người thành công nhất trong nhóm "rùa" viết ra và rao giảng. Đó có thể là một tấm "bản đồ" với rùa nhưng lại là một "mê cung" đối với thỏ.
Vì khả năng tập trung kém, kết hợp với những mục tiêu quá rắc rối, thỏ sẽ "quên béng" mục tiêu sau một thời gian ngắn, và bị phân tâm bởi khung cảnh đẹp, những cám dỗ mới và khi tình hình thay đổi, thỏ cũng vội vã thay đổi mục tiêu. Kết quả là sau một năm, thỏ nhận thấy mình vẫn dậm chân tại chỗ, thỏ thất vọng về bản thân và lại tự nhủ rằng lần sau mình sẽ phải "cố gắng hơn nữa" và nhất định sẽ chỉ sai nốt lần này... Tất nhiên, mọi chuyện vẫn chẳng khá hơn vào tết năm sau và thỏ mãi vẫn chưa về đến đích.
Nếu bạn đang ở nhóm rùa thì MỤC TIÊU và KẾ HOẠCH chắc chắn sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều và tôi xin được chúc mừng, dù bạn là rùa "nhanh" hay có hơi "chậm" một chút, chắc chắn bạn sẽ gặt hái nhiều thành công.
Nhưng nếu bạn thuộc nhóm thỏ thì hãy đừng phí công vào những mục tiêu hoành tráng và kế hoạch tỉ mỉ nữa, bạn sẽ chỉ gặp thất bại tiếp nếu cứ cố đấm ăn xôi mà thôi. Thay vào đó, bạn phải học hỏi những cái hay trong tư duy của "rùa" trước đã.
Tin tốt là thỏ và rùa không phải là do bẩm sinh mà chủ yếu do sự rèn luyện và thay đổi tư duy của con người. Hành vi của thỏ là kết quả của một quá trình dài bạn đã không tập cho mình thói quen làm việc khoa học, thiếu kiên định và không giữ lời. Bạn có thể tập luyện lại từ đầu dựa trên những gợi ý sau:
1. Tập đặt ra những mục tiêu ngắn và đơn giản, tốt nhất là chỉ một mục tiêu duy nhất và chỉ đưa ra mục tiêu số 2 sau khi đã làm xong cái số 1. Ví dụ, nếu bạn dự định để dành 20 triệu đồng trong năm nay, hãy thay nó bằng mục tiêu tiết kiệm 1 triệu đồng cho tháng này. Chỉ khi làm xong, bạn mới quyết định tháng tiếp theo sẽ giữ nguyên hay thay đổi con số đó. Nếu đến cuối tháng bạn vẫn không thành công, hãy bắt đầu lại một lần nữa cho đến khi có 1 triệu đồng trong lợn tiết kiệm.
2. Nhìn vào THÓI QUEN thay vì trông ngóng KẾT QUẢ. Thói quen là gốc, kết quả là ngọn, thói quen tốt nhất định sẽ dẫn đến kết quả tuyệt vời. Những thói quen nhỏ trong cuộc sống như ngủ đúng giờ, đến nơi đúng hẹn, hoàn thành bài tập đúng deadline… chính là những viên gạch vững chắc đến bạn xây dựng ngôi nhà thành công trong tương lai.
3. Khi hứa điều gì đó với ai, luôn đưa ra cam kết về thời gian và kèm một hình phạt nếu bạn không thực hiện được. Tập làm như vậy cho đến khi bạn không còn sai hẹn nữa.
4. Tập nguyên tắc "không quyết định ở lần đầu tiên". Mỗi khi thấy điều gì đó hay ho và thú vị, hoặc những món đồ xinh đẹp và hấp dẫn, bạn đừng bao giờ mua hay quyết định ở lần đầu tiên, hãy cho mình một khoảng thời gian để nghĩ lại và thống nhất rằng nếu đến lần thứ 2 gặp lại mình vẫn thích nó thì mới ra quyết định. Khi về nhà, hãy kiểm tra lại nó có trùng khớp hay hỗ trợ cho mục tiêu bạn đang theo đuổi không, nếu không thì hãy quên nó đi.
5. Tự cho mình những phần thưởng nhỏ khi bạn thành công với nỗ lực bước đầu. Ví dụ khi tiết kiệm được 10 triệu đồng, bạn sẽ được phép chi tiêu 2 triệu cho sở thích cá nhân. Nên nhớ rằng thay đổi thói quen và tính cách là một hành trình dài và khó khăn, nên khoảng vài tháng đầu, bạn cần thay đổi tư duy chứ chưa cần thành công vĩ đại. Đặt mục tiêu tiết kiệm 10 triệu đồng và làm được, còn tốt hơn đặt mục tiêu 1 tỷ đồng và hoàn thành 200 triệu. Hãy tự động viên mình với những thành công nhỏ và chia sẻ nó với những người thân để có động lực bước tiếp.
Có một câu nói mà tôi rất thích: "Không gì có thể đánh bại một kẻ biết làm chủ bản thân". Xây dựng tư duy làm chủ và những thói quen tốt của nhóm "rùa" chính là chìa khóa cho những ai liên tiếp thất bại với những kế hoạch năm này sang năm khác.
Bản thân tôi đã từng trải qua quá trình từ một chú thỏ chính hiệu để trở thành chú rùa. Vì vậy, tôi biết rất rõ nó không chỉ giúp bạn đạt được kế hoạch, mà sẽ có ý nghĩa rất quan trọng cho mọi điều trong cuộc sống của mỗi người. Xin chúc bạn thành công!
Chu Ngọc Cường
Theo Trí Thức Trẻ