Nhiều đại gia địa ốc "kêu khổ" về thủ tục pháp lý đầu tư dự án mới
Nhiều đại gia địa ốc "kêu khổ" về thủ tục pháp lý đầu tư dự án mới
Mới đây, lãnh đạo UBND TP. HCM cùng các sở ban ngành đã có buổi làm việc với Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) về các vấn đề liên quan đến thị trường BĐS TP. HCM năm 2019.
Tại cuộc họp, HoREA cùng nhiều doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TP.HCM đã thẳng thắn nêu ra những bất cập còn tồn đọng và kiến nghị lãnh đạo thành phố tìm cách tháo gỡ khẩn những "điểm nghẽn" vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.
Đơn cử như trường hợp của Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long. 15 năm trước, công ty trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Công ty đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá theo đúng quy định và đã được UBND TP.HCM cấp giấy chủ quyền. Chủ đầu tư đã đầu tư xây dựng hình thành nên khu đô thị mới Dragon City hiện đại, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị trục đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè.
Ông Phùng Chu Cường, Tổng giám đốc công ty, cho biết: "Điều nghịch lý là, tại phân khu số 15 của dự án vẫn còn tồn tại 1 căn nhà và đất của một số hộ dân. Họ không chịu di dời mà còn xây dựng thêm, mở rộng nhà trái phép, chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường, cản trở không cho công ty triển khai đầu tư xây dựng dự án, thậm chí có hành vi tự ý xông vào công trường, đập phá tài sản và tháo dỡ hàng rào của công ty. Chúng tôi tha thiết đề nghị thành phố và huyện Nhà Bè hỗ trợ để giao đất đầy đủ cho công ty triển khai thực hiện dự án, thực hiện theo pháp luật".
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) Bùi Tiến Thắng cũng cho biết hiện doanh nghiệp đang đầu tư dự án khu liên hợp văn phòng - căn hộ - thương mại rộng hơn 5.000 m2 tại khu vực giao lộ Tản Đà - Hàm Tử, quận 5. Tuy nhiên, công ty đang gặp vướng trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền sẽ khó vượt qua.
Theo ông Thắng, trong 57 hộ dân được bồi thường tái định cư chỉ còn một hộ không chịu di dời và không có thái độ hợp tác. Hộ dân này không chấp nhận bồi thường theo phương án thành phố duyệt là khoảng 4 tỷ đồng mà đòi lên gần 30 tỷ đồng, tức tương đương khoảng 1,1 tỷ đồng/m2.
Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh lại "kêu" rằng công ty đang triển khai thủ tục để lập dự án chung cư cao tầng tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức với tổng diện tích dự án là 28.980m2. Trong quá trình triển khai các thủ tục lập dự án, Hưng Thịnh gặp một số vướng mắc, khó khăn liên quan đến phương án kết nối giao thông với các tuyến đường quy hoạch tiếp giáp gồm đường vành đai 2, đường D5 và đường N2.
Vướng mắc chung khác của các dự án nhà ở tại TP. HCM được nhiều doanh nghiệp nhắc đến là quy định "nhà đầu tư phải có quyền sử dụng đất ở hợp pháp". Doanh nghiệp đề nghị thành phố tháo gỡ điểm nghẽn về đất công, quy định về đất ở hợp pháp... vì cho rằng đã "trói tay" các doanh nghiệp địa ốc.
Trước hàng loạt trường hợp cụ thể của doanh nghiệp nêu lên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, cho biết tình hình thực tế: "Các bộ phận của sở trong tổ chức thực hiện có nhiều điểm hiện nay chậm so với chỉ đạo của TP.HCM".
Về việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trong buổi đối thoại trước đây, ngày 8/11/2018, sở đã có văn bản trả lời cụ thể cho HoREA về vướng mắc của doanh nghiệp. Thực tế triển khai dự án bị vướng rất nhiều bởi quy định của luật, của nghị định, thông tư. Tháng 12 /2018, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký kiến nghị trình lên Thủ tướng, Bộ Tài nguyên - Môi trường liên quan đến 35 vướng mắc, nhằm sớm có ý kiến tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Đối với câu chuyện của Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long, ông Thắng thông tin Công ty này trúng đấu giá, bị tái chiếm là phải xử lý dứt điểm, vì nguyên tắc phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, ai sai phải xử lý người đó. Vừa qua, sau khi UBND TP.HCM chỉ đạo, sở có đề nghị huyện Nhà Bè nhanh chóng làm rõ các nội dung trên, phối hợp với sở để xử lý dứt điểm các thủ tục tiếp theo, để giao đất cho chủ đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, sự việc chậm là vì huyện Nhà Bè chưa có báo cáo chính thức.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết thêm, quy định "đất ở hợp pháp" để được công nhận chủ đầu tư, theo quy định của Luật Nhà ở, tại TPHCM chỉ có 25% dự án đủ điều kiện "đất ở hợp pháp"! UBND TP.HCM có 2 lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong phiên làm việc mới đây nhất thành phố cũng báo cáo Thủ tướng, được biết Thủ tướng giao các bộ tìm hướng tháo gỡ.
Lắng nghe các ý kiến của HoREA và đại diện các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, luôn sẵn sàng hỗ trợ mọi doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể. Những gì trong thẩm quyền của thành phố thì thành phố sẽ chỉ đạo giải quyết ngay. Những nội dung ngoài thẩm quyền thì thành phố sẽ đăng ký làm việc với Chính phủ, phản ánh với Quốc hội để sớm sửa những điểm bất hợp lý như doanh nghiệp phản ánh.
Qua đó, lãnh đạo TP.HCM đã giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng sẽ công khai minh bạch bằng "APP thông tin điện tử" về pháp lý của từng dự án để người dân có thể tìm hiểu rõ ràng. Bởi vì hiện nay có nhiều dự án, theo quy định không được bán nhưng đã triển khai ký kết hợp đồng mua bán với người dân để huy động vốn, kể cả những dự án "chưa có gì hết đã rao bán".
Một vấn đề "nhạy cảm" gây ồn ào thị trường vừa qua, được phó chủ tịch UBND TP.HCM giải thích khá kỹ lưỡng, đó là việc rà soát lại hồ sơ pháp lý dự án của các dự án BĐS. Việc rà soát pháp lý của các dự án nhà ở của doanh nghiệp thông qua các cơ quan chuyên môn như thanh tra, kiểm tra, cơ quan điều tra, các bộ ngành là việc làm hết sức bình thường.
Theo đó, thời gian qua các doanh nghiệp triển khai chưa chặt chẽ nhưng khi triển khai rà soát, thì các doanh nghiệp bức xúc làm văn bản gửi bộ ngành, làm cho tình hình phức tạp thêm; rồi các cơ quan truyền thông đưa tin chưa chính xác đã làm cho vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự của TP.HCM.
“Quan điểm của thành phố là bảo vệ tuyệt đối quyền lợi của người dân, những dự án nào Nhà nước đã cho phép rồi thì quyền lợi hợp pháp đó sẽ được bảo vệ. Những doanh nghiệp nào được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ được bảo vệ hợp pháp. Những sai sót pháp lý thuộc về trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước thì Nhà nước sẽ xử lý những cán bộ sai phạm, không để ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến khẳng định.
Đối với 7 dự án tại quận Phú Nhuận do Công ty cổ phần Địa ốc Novaland làm chủ đầu tư, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết thêm vừa rồi sau khi có ý kiến của Kiểm toán, Bộ Tài chính thì UBND TP.HCM đã giao cho giám đốc Sở Xây dựng là tổ trưởng tổ các chuyên gia bao gồm đầy đủ các sở ngành của TP.HCM để rà lại hồ sơ pháp lý.
Mới đây, giám đốc Sở Xây dựng báo cáo, chỉ một vài thủ tục nhỏ cần bổ sung, không ảnh hưởng gì đến việc triển khai tiếp tục. Do đó, TP.HCM có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tiến hành cho phép việc cấp giấy chủ quyền cũng như giao dịch bình thường, không để bất cứ sự lợi dụng việc này để làm điều không tốt, ảnh hưởng đến người dân.
Còn đối với dự án, sắp tới TP.HCM sẽ tiến hành rà lại, sớm triển khai những vấn đề lưu ý của Kiểm toán và Bộ Tài chính, tất nhiên đều có cơ sở nhưng không phải lớn, sẽ tiếp tục cập nhật, hoàn chỉnh lại thủ tục.
Nguyên Minh
Theo Trí thức trẻ