Những Phật tử là doanh nhân nổi tiếng tại Việt Nam

Thứ năm, 14/02/2019, 11:03 (GMT+7)

Những Phật tử là doanh nhân nổi tiếng tại Việt Nam

Đức Phật dạy nếu một người có năng lực làm giàu nhờ công sức và trí tuệ của chính mình, và biết sử dụng của cải vật chất đó làm lợi mình lợi người thì rất tốt. Còn cái giàu do lừa dối để lợi mình hại người thì không được.

Những Phật tử là doanh nhân nổi tiếng tại Việt Nam

Dưới đây là những Phật tử là doanh nhân nổi tiếng tại Việt Nam.

 

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen

Những Phật tử là doanh nhân nổi tiếng tại Việt Nam - Ảnh 1.

 

Ông Lê Phước Vũ là một doanh nhân thành đạt, một người có niềm tin Phật giáo, dựa vào tinh thần đạo Phật để làm kinh doanh. Từ hai bàn tay trắng, năm 2001 ông Vũ thành lập nên công ty cổ phần Hoa Sen. Hoa Sen cũng là biểu tượng đặc trưng của đạo Phật. Vị doanh nhân này có nhiều hoạt động từ thiện đặc biệt là tháng 5/2013 ông đã chi ra hơn 36 tỷ đồng để mời Nick Vujicic đến thuyết trình truyền cảm hứng ở Việt Nam.

Theo chia sẻ của ông Vũ trên tạp chí Văn hóa phật giáo, gia đình ông có truyền thống theo đạo Phật, bà nội của ông Vũ là người xuất gia từ năm 1972 theo phái khất sĩ. Tiếp theo ba ông cũng theo đạo Phật. 

Thuở nhỏ, vị doanh nhân này sống theo tín ngưỡng gia đình. Lúc đó đạo Phật đối với ông Vũ mang tính tín ngưỡng nhiều hơn là sự tỏ ngộ tâm linh và một sự thấu hiểu, quán triệt tinh thần về tâm linh. 

Năm 30 tuổi, ông Vũ quay lại với đạo Phật sau nhiều sự kiện trong đời sống. Từ đây, ông Vũ bắt đầu đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi tự vấn như Gốc rễ của thế giới đó là gì? Sự tương tác giữa con người và tâm linh là gì? Và nó tương tác qua cái gì? Sau tất cả, bản chất của thế giới tâm linh đó là gì?

"Tập đoàn Hoa Sen luôn có những cách đi riêng của mình không giống như những doanh nghiệp khác để phát triển bền vững, nhưng trên hết phải lấy đạo đức làm nền tảng. Tiêu chí của chúng tôi là trung thực-cộng đồng-phát triển. Riêng cá nhân tôi, tôi hạnh phúc vì có được những giá trị sống tốt, lại vừa làm được rất nhiều việc để giúp mọi người. Đạo Phật có câu, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn", Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen chia sẻ.

Năm 2018 ông Vũ quyết định lên núi sống thanh tịnh. Theo chia sẻ, 1 tháng ông chỉ ghé Hoa Sen 2 lần, mỗi lần 2 tiếng. Đồng thời, ông Vũ còn miêu tả núi nơi mình sống như cảnh thần tiên, có suối để tắm rất đẹp.

 

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Thái Hà Books

Những Phật tử là doanh nhân nổi tiếng tại Việt Nam - Ảnh 2.

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng vốn là Phật tử có Pháp danh Thiện Đức. Ông là nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch Thái Hà Books. Ông Hùng từng có nhiều năm học tiến sĩ ở Liên Xô, rồi về làm ở FPT, khi rời vị trí là Phó Tổng giám đốc tập đoàn này. Với ông Hùng, ông cho rằng tiền không quá quan trọng. Thái Hà Books được biết đến là nhà xuất bản có mảng riêng chuyên về sách Phật giáo. Ông nghiên cứu về Phật giáo từ khi còn là sinh viên và bắt đầu tu tập ở độ tuổi 30.

"Bản thân tớ, ngày xưa, tớ có nhiều bệnh tật lắm, thậm chí vài lần chết hụt rồi. Năm 2000 ở Sydney (Úc), bác sĩ đã khám kết luận tôi bị tiểu đường, mỡ máu, men gan và chỉ định bắt buộc phải uống thuốc. Nhưng thực tế, nhờ thiền mà bao năm nay chẳng thuốc men gì, tớ vẫn khỏe re. Thêm nữa, thiền cho ra rất nhiều ý tưởng. Ngày xưa, cứ tọa thiền là tớ mang theo sổ và bút. Ngồi thiền, ý tưởng mới và lạ cứ thế tuôn ra. Ghi lại và triển khai. Lúc đó tớ mới hiểu tại sao Bill Gates, Steve Jobs… lại sang Ấn Độ học thiền; tại sao tập đoàn Google tại có phong trào thiền cho cả tập đoàn", ông Hùng chia sẻ về cơ duyên đến với Thiền định của mình.

Chủ tịch Thái Hà Books từng chia sẻ sáng nào ông cũng ngồi thiền và tụng kinh niệm Phật. Đó cũng là cách thư giãn, giải trí của ông mỗi khi căng thẳng hay gặp khó khăn trong công việc. "Còn hơi thở là tôi vẫn đọc sách, vẫn thiền, mãi là Phật tử", ông khẳng định.

 

 

Bà Phạm Minh Hương- Chủ tịch CTCP chứng khoán Vndirect

Những Phật tử là doanh nhân nổi tiếng tại Việt Nam - Ảnh 3.

Bà Hương được biết đến là chủ tịch CTCP Chứng khoán Vndirect. Khoảng năm 2011, bà Phạm Minh Hương có ‘cơ duyên’ biết đến ăn chay dưỡng sinh khi được mời ăn bữa cơm trong lần đi học một khóa Thiền.

‘Đó là những bữa cơm tuyệt vời mà trong đời tôi chưa từng được thưởng thức’, bà hồi tưởng.

Để chia sẻ trải nghiệm của mình, bà mở một cửa hàng thực phẩm hữu cơ HOMEFOOD và quán Chay dưỡng sinh Thuần Việt để truyền bá cách sống bà tâm đắc.

Vị nữ doanh nhân này từng chia sẻ mình sinh ra và lớn lên ở thời kỳ mà trong lý lịch ghi là không tôn giáo nên đối với bà, đạo Phật là những hình ảnh những người đi vào chùa là chốn tránh hiện tại và có cái gì đó rất là mê tín dị đoan. Bà đã đi tìm rất nhiều sách để đọc nhưng quá nhiều từ Hán-Việt nên không hiểu. Khi nhờ vào nghe bài pháp thoại của Thượng tọa Thích Nhật Từ, khi đó bà đã không thể tưởng tượng được là tại sao có kiến thức tuyệt vời như vậy mà mình không biết, trong khi có lúc bà cho là mình rất giỏi, cái gì cũng biết.

Khi mới bước vào đạo Phật, bà đã hiểu rất sai về đạo Phật là đi tu, có nghĩa là phải buông bỏ hết để cho ngũ căn của mình không phải tiếp xúc với cái gì cả thì mới có thể tu được. Bà Minh Hương đã thay đổi rất nhiều sau khi theo và hiểu đạo Phật để trở thành một con người bình tâm trước mọi vấn đề. Bà vẫn làm việc nhiều như ngày trước, không có gì khác cả, nhưng công việc hiệu quả hơn, bình an hơn.

 

 

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy – Chủ tịch Công ty TNHH Đỉnh Vàng

Những Phật tử là doanh nhân nổi tiếng tại Việt Nam - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Đỉnh Vàng

Doanh nhân Nguyễn Thị Kim Thúy, giám đốc Công ty TNHH Đỉnh Vàng. Đây là một doanh nghiệp cỡ lớn tại Hải Phòng với trên 18.000 nhân công.  Năm 1994, bà Thúy thành lập Xí nghiệp tư nhân Đỉnh Vàng, rồi tháng 2/1995 chuyển mô hình sản xuất sang Công ty TNHH Đỉnh Vàng với số vốn pháp định 60,1 tỷ đồng, gồm 3 xí nghiệp thành viên chuyên sản xuất giầy.

5 năm theo phái Thiền Tông, được hòa thượng Thích Thanh Từ đặt cho pháp danh Từ Tâm, bà nói, cuộc sống của mình dường như nhẹ nhàng và thanh thản hơn và nhờ đó công việc cũng suôn sẻ hơn, bao nhiêu nỗi truân chuyên cuộc đời dường như được hóa giải bởi triết lý sống của Đạo Phật.

"Công việc kinh doanh không phải lúc nào cũng dễ dàng, mà thường lắm chông gai, phản trắc, tôi xem đó là thách thức hơn là khó khăn, và đầu óc luôn phải minh mẫn để xử lý. Nếu như trước đây thường bị hành hạ bởi những cơn đau đầu, trầm uất trong kinh doanh, có lúc uất hận mà thành ra tâm bệnh, thì giờ đây tôi có thể kiềm chế cảm xúc, bình tâm đối phó, lấy nhu thắng cương, kẻ gieo tai ương hà khắc sẽ gặp bão. Đó là luật Nhân - Quả của Đạo Phật", vị nữ doanh nhân này từng chia sẻ với Zing.

Theo Cafebiz