Sau Đồng Nai, đến lượt Long An muốn gần hơn với TPHCM bằng hàng loạt dự án giao thông kết nối quy mô lớn

Thứ ba, 23/04/2019, 16:43 (GMT+7)

Sau Đồng Nai, đến lượt Long An muốn gần hơn với TPHCM bằng hàng loạt dự án giao thông kết nối quy mô lớn

Nếu nhìn lại cách đây 5 năm, việc lưu thông từ TPHCM về các tỉnh miền Tây, đặc biệt là một số đoạn qua "cửa ngỏ" Long An, vô cùng vất vả do kẹt xe nghiêm trọng. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, Long An đang trở thành một điểm đến mới của các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi tỉnh này đưa quyết sách giao thông phải đi trước một bước, giúp có kế hoạch mở rộng vùng đô thị TPHCM về Long An đi đúng hướng.

Sau Đồng Nai, đến lượt Long An muốn gần hơn với TPHCM bằng hàng loạt dự án giao thông kết nối quy mô lớn

Long An đang nỗ lực thực hiện nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm, kết nối với TP.HCM và các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, một làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp lớn đang “tiến đến” Long An, đặc biệt dòng vốn "chảy" vào bất động sản ngày một tăng.

Bởi, theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, không bao lâu nữa, một khi quỹ đất tại TP.HCM hẹp dần thì dòng chảy về những vùng đất mới giáp ranh với TPHCM là điều không thể tránh khỏi. Trong đó, những khu vực như Đức Hoà, Cần Giuộc có vị trí giáp ranh với TPHCM đang trở thành đích ngắm mới của hàng loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước để đón đầu dòng chảy này.

Theo GS.KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TP.HCM có ý nghĩa lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội nên nghiên cứu quy hoạch vùng để gắn kết là rất quan trọng. TP.HCM có không gian phong phú vì vậy không thể tách để nghiên cứu riêng mà phải đồng bộ với quy hoạch chung, quy hoạch vùng.

KTS Chính cũng cho rằng qua nghiên cứu, nếu vùng đô thị này được mở rộng, TP.HCM sẽ có thêm tổng diện tích khoảng 48.000-50.000 ha, dân số khoảng 37-42 vạn người. Như vậy, diện tích TP.HCM sẽ tăng lên thêm khoảng 50 km2.

Một số ý kiến từ phía chuyên gia quy hoạch khác cho thấy đến nay, Long An đã hoàn thành nhiều quy hoạch quan trọng cho giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn tới 2030 và cũng đã sẵn sàng cho việc đón làn sóng đầu tư từ TP.HCM lan toả đến. Cụ thể, quy hoạch tổng thể phát triển giao thông, quy hoạch hệ thống giao thông đường thủy, cảng thủy nội địa, quy hoạch điểm đấu nối các tuyến Quốc lộ N1, N2, 14C…

Trong đó, xương sống mạng lưới đường bộ tỉnh Long An gồm các tuyến cao tốc và 4 tuyến quốc lộ. Điển hình như  tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương đã đưa vào khai thác, Quốc lộ 1A hoàn thành đầu tư mở rộng, còn dự án Quốc lộ N2 đã hoàn thành xây dựng đoạn Đức Hòa-Mỹ An, tuyến Quốc lộ N1 đang trong giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

Theo quy hoạch, tuyến N2 đóng vai trò trục mới của vùng ĐBSCL, với điểm đầu tại huyện Củ Chi (TPHCM) đi xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười. Và 2 tuyến Quốc lộ 50 và 62 từng bước được duy tu, nâng cấp. Bên cạnh cao tốc TPHCM-Trung Lương, Long An còn có tuyến cao tốc khác là Bến Lức - Long Thành đang được thi công xây dựng. Dự án này sẽ kết nối địa bàn các huyện Bến Lức, Cần Giuộc của tỉnh Long An, huyện Bình Chánh, Cần Giờ của TP.HCM và huyện Nhơn Trạch, Long Thành của Đồng Nai.

Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và Đông Nam bộ không cần quá cảnh qua TP.HCM, kết nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc với quốc lộ, hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, cảng Sao Mai Bến Đình và với sân bay quốc tế Long Thành, rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Long An đến TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong khi đó, dự án đường cao tốc Bến Lức-Hiệp Phước đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.

Quan trọng hơn hết, mới đây, TP.HCM vừa làm việc với các tỉnh, thành trong vùng về việc điều chỉnh lại hướng tuyến xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, có tổng vốn đầu tư đến 5 tỷ USD.  Tuyến đường sắt này đi qua địa bàn TPHCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Theo đó, đối với địa phận TPHCM, UBND đề nghị giữ nguyên hướng tuyến từ ga lập tàu An Bình, tỉnh Bình Dương đến ga Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM; từ ga Tân Kiên, tuyến đi song song đường Tân Tạo - Chợ Đệm, tuyến vượt qua Rạch Tam, sông Chợ Đệm và nút giao Chợ Đệm của dự án đường bộ cao tốc TPHCM - Trung Lương, tuyến rẽ phải và đi song song với tuyến đường bộ cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Đối với địa phận tỉnh Long An, tuyến tiếp tục đi trên cao song song tuyến đường bộ cao tốc TPHCM - Trung Lương, vào ga Thanh Phú (là ga kết nối với nhánh đường sắt ra cảng Hiệp Phước), tuyến đi trên cao vượt qua nút giao Bến Lức và sông Vàm cỏ Đông. Tuyến tiếp tục đi vượt qua khu vui chơi giải trí Happy Land và đi song song với tuyến đường bộ cao tốc vào ga Tân An. Ra khỏi ga Tân An, tuyến vượt qua sông Vàm cỏ Tây, Quốc lộ 62 và đi hết địa phận tỉnh Long An.

Song song đó, Long An cũng thừa hưởng giá trị của các dự án hạ tầng lớn kết nối với lõi đô thị TP.HCM. Có thể kể đến như TP.HCM đã có chủ trương mở rộng dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Tạo thành đường 6 làn xe thông với Khu Công nghiệp Long Hậu (huyện Cần Giộc), tuyến Metro số 4 nối quận 12, Tân Bình, Phú Nhuận, quận 1, quận 4, quận 7 và Khu Đô thị cảng Hiệp Phước.

Thêm vào đó, tuyến đường Lê Văn Lương (quận 7) sẽ được mở rộng 30m trong thời gian sắp tới để nối quận 7 và Cần Giuộc - Long An, nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 22, nâng cấp và mở rộng Tỉnh lộ 824, Tỉnh lộ 9... đi qua các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc. Tuyến đường Vành đai 4 đoạn Bến Lức- Hiệp Phước đang chuẩn bị khởi công xây dựng. Chiều dài toàn tuyến khoảng 35,8km, đi qua các địa phương gồm tỉnh Long An dài 32km (huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc), TP.HCM dài 3,8km đi qua huyện Nhà Bè.

Mới đây nhất, UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa việc xây dựng một làm đường song hành với quốc lộ 50 bổ sung vào quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Theo quy hoạch, điểm đầu của tuyến đường mới sẽ kết nối với dự án nối đường Phạm Hùng hiện hữu với cầu Kênh Cây Khô (đoạn tuyến dài khoảng 800m), tại xã Phước Lộc - huyện Nhà Bè (TP.HCM), điểm cuối sẽ kết nối với Quốc lộ 50 tại lý trình Km12+600 (ngã tư Tân Kim, xã Tân Kim - huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An).

Tuyến đường sẽ có tổng chiều dài tuyến khoảng 8,6km với vận tốc thiết kế đạt 80km/h, quy mô mặt cắt ngang tuyến dự án được thiết kế với 6 làn xe; bề rộng mặt cắt ngang cầu được bố trí phù hợp với quy mô phần tuyến. Kỳ vọng đây là tuyến đường có thể xem là trục động lực, khi hoàn thành khơi dậy tiềm năng của vùng hạ Long An gồm các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành.

Về phần mình, tỉnh Long An cũng đang chủ đầu kêu gọi đầu tư nhiều dự án giao thông giúp kết nối thông suốt với TP.HCM. Chẳng hạn, mới đây UBND tỉnh Long An đã đề xuất Thường trực HĐND tỉnh Long An cho chủ trương đầu tư dự án Đường tỉnh (ĐT) 826E, ấp 3, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đến nay, dự án đã đựợc cấp có thẩm quyền đồng ý cho chủ trương đầu tư.

Theo Sở Giao thông Vận tải Long An, hiện nay, trên địa bàn xã Long Hậu đang hình thành mới các khu - cụm công nghiệp và các khu đô thị phức hợp như nhà ở, khu giải trí, khu thương mại và dịch vụ. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông khu vực chưa được đầu tư hoàn thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của khu vực.

Hiện, dân số của xã trên 12.000 người, nhu cầu đi lại, giao thương rất lớn, trong khi ĐT 826E nhỏ hẹp không đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. ĐT 826E kết nối với đường Phan Văn Bảy, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Việc đầu tư nâng cấp ĐT 826E là rất cần thiết đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương vì theo quy hoạch đến năm 2030 Long Hậu phát triển thành khu đô thị xanh của tỉnh.

Trong tương lai, ĐT 826E là tuyến đường kết nối Quốc lộ 50 với trục động lực Tây Nam (đường Phạm Hùng nối dài của TP.HCM) đến KCN Long Hậu (đường Long Hậu đã xây dựng xong), đường Tân Tập - Long Hậu (đến Cảng Quốc tế Long An) và KCN Hiệp Phước-TP.HCM. Dự kiến, tổng mức đầu tư trên 583 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư ngân sách tỉnh 50% và doanh nghiệp đóng góp 50%, thời gian triển khai dự kiến từ 2019 -2021.

Một trong những công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội (ĐH) Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015 đang gấp rút triển khai đầu tư, đó là đường Tân Tập-Long Hậu. Được biết, huyện Cần Giuộc được chia thành 6 vùng, trong đó vùng hạ sẽ phát triển thành vùng công nghiệp-đô thị và dịch vụ, cho nên khi dự án đầu tư nâng cấp đường Tân Tập - Long Hậu giai đoạn 2 hoàn thành, cùng với đường Đức Hòa - Tân Tập sẽ giúp phát huy khai thác kinh tế cặp sông Soài Rạp, cảng quốc tế Long An nối với đường Nguyễn Văn Linh cũng như kết nối cảng Hiệp Phước, TP.HCM.

Dự án đường Tân Tập – Long Hậu có chiều dài 4,9 km, chi phí xây dựng hơn 537 tỉ đồng. Dự án được đầu tư theo phương thức huy động vốn của doanh nghiệp dọc 2 bên tuyến đường đóng góp 50%, ngân sách nhà nước 50%.

UBND tỉnh Long An vừa đề nghị Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp với các sở, ngành mời các doanh nghiệp làm việc về chủ trương đầu tư đường Tân Tập – Long Hậu theo phương thức nhà nước đầu tư 50% vốn, doanh nghiệp đóng góp 50%. Sau đó, thống nhất phương án đầu tư để triển khai thực hiện dự án.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nhìn vào một mạng lưới hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư một cách mạnh mẽ như trên, sẽ là động lực để thị trường bất động sản của tỉnh này tăng trưởng trong tương lai gần. Vì vậy, so với khu vực TP.HCM, thị trường đất nền, nhà phố tỉnh Long An đang xuất hiện trở lại tình trạng "sốt" và tăng giá đột biến từ sau Tết nguyên đán đến nay, đặc biệt đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Long An, từ cuối năm 2017 đến nay, BĐS tại Long An liên tục tăng giá, tạo thành những cơn "sốt" đất nền, nhất là tại khu vực các huyện giáp ranh TP.HCM: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc. Hiện nay, đất nông nghiệp tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh có giá khoảng 1 tỉ đồng/1.000m2. Còn tại các vùng ranh TP.HCM như Mỹ Hạnh Nam, Mỹ Hạnh Bắc, con số đó tăng từ 2-3 lần.

Ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư Phú Vinh, cho rằng thị trường BĐS TP.HCM đang khan hiếm nguồn cung cục bộ. Hơn nữa, vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TP.HCM là thời gian tạo lập dự án khá dài, mất 3-5 năm để có được đất sạch, đầy đủ pháp lý, sẵn sàng đưa ra thị trường.

"Trong suốt chu kỳ chờ đợi dự án đủ điều kiện mở bán, doanh nghiệp chịu nhiều áp lực như mất đi chi phí cơ hội vì dòng vốn bị chôn trong dự án chưa thành phẩm. Trong khi đó, Long An giải quyết vấn đề pháp lý dự án khá nhanh", ông Chánh nói thêm.

 

Theo Nam Phong

Nhịp sống kinh tế